My Grandma, My Childhood

My Grandma, My Childhood

Đợt không khí lạnh đầu tiên tràn về cùng với ngày Đà Nẵng gỡ lệnh cách ly. Tôi mặc lên người chiếc áo dài tay đầu tiên sau 4 tháng dịch ở nhà, chạy chiếc xe máy phủ đầy bụi dọc theo đường bờ sông. Gió lạnh như một liều thuốc phả vào mặt, làm dịu đi những dây chằng màu đỏ trong mắt. Tôi vừa đi vừa nhẩm đếm, còn bao nhiều ngày nữa thì hết tháng Mười. Chẳng mấy chốc đã lẫn vào dòng người đông đúc ngổn ngang.

Dạo gần đây tôi hay nhớ về Bà. Nhớ có một lần Bà sai vặt mà tôi vùng vằng mải chơi không chịu đi, Bả nài nỉ tôi là làm giúp Bà đi, sau này chết đi Bà về Bà phù hộ. Không biết có phải Bà giữ lời hứa thật không, mặc dù Bà không còn nữa, tôi lúc nào cũng cảm thấy như Bà vẫn ở đó, động viên tôi lúc tôi lo lắng hoặc quở trách tôi khi bẵng đi một thời gian lâu mà không thấy tôi về.

Ngày còn nhỏ, Bà hay cõng tôi trên lưng đi qua nhà hàng xóm mua kẹo. Lưng Bà lúc đó như lũy tre bên hong nhà, gập mình xuống vào một ngày có bão, rồi không bao giờ trở về ban đầu được nữa. Bà bảo Bà bị thế lúc vẫn còn trẻ, vẫn còn chạy vạy từng bữa nuôi ba đứa con: Ba, Chú Và O tôi. Tôi thích nghe Bà kể chuyện ngày xưa, chuyện Bà đi gánh lúa, cấy thuê cho nhà địa chủ rồi được người ta trả bằng mấy bát gạo; chuyện Bà cầm đèn cầy học chữ dưới hầm cái hồi Nước mình phát động chiến dịch Bình dân học vụ (xóa mù chữ); chuyện Ông nội theo chân mấy người trong làng đi buôn với hi vọng kiếm ít đồng nuôi con thì bị bắn, cả chuyện Ba và Chú tôi suốt ngày nghịch dại, đốt rụi đống rơm, ruộng lúa nhà người ta… Những câu chuyện của Bà cứ thế như cuộn phim về một thời kỳ lịch sử, mà tôi dù có đọc bao nhiêu sách vở cũng không thể nào hình dung rõ bằng ánh mắt xa xăm của Bà.

Đôi lúc, tôi bắt Bà hò cho tôi nghe. Tôi còn bắt Bà phải vừa quạt vừa xoa lưng mới chịu ngủ. Những lúc đó, hai bà cháu nằm trên chiếc giường đơn, mặt tôi dúi dúi vào ngực Bà, cảm nhận thứ hơi ấm tỏa ra từ đó. Tôi ngửi thấy mùi của miếng bã trầu bà ăn dở, mùi của mẩu thuốc lào còn sót lại trong túi áo bà, mùi thơm thoang thoảng của bột xà phòng còn vương lại trên áo và mùi của sự bình yên đến sau cùng. Trong tiếng ve kêu râm ran những trưa hè năm đó, tiếng xẹt xẹt của chiếc quạt giấy bà đưa thưa dần, thưa dần rồi hai bà cháu chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay.

Ba hay gọi bà là bộ trưởng bộ ngoại giao vì không có người khách nào mà bà không tiếp chuyện được. Từ trẻ nhỏ, thanh niên cho đến người già. Không hiểu sao đoạn gen đó lại không lọt vào người tôi một chút nào. Cứ có người lạ là tôi lại trốn đi. Bà luôn bắt đầu ngày mới bằng việc nhai một miếng trầu và xuống bếp, nhóm củi rồi nấu một bình nước chè thật ngon. Với Bà như thế là một ngày tốt đẹp. Rồi vài người hàng xóm đến, trò chuyện, ăn trầu bà tiêm, uống nước chè bà rót, đó là một ngày hạnh phúc. Đến chiều, bà sẽ đội nón lá, cầm cuốc lui cụi trên những luống rau hoặc nhặt cỏ sau vườn. Bà đi chân trần, lưng bà khòm xuống, tà áo bà ba không che nổi cột sống cộm lên của bà, luôn tuột xuống phía trên. Bà xăn ống quần cao, mồ hôi nhễ nhại, đôi bàn tay to lớn thoăn thoắt, lướt qua hết dậu bí rồi đến giàn bầu.

Lúc tôi vào Đại học, Bà đã tám mươi tám tuổi. Bà dúi vào tay tôi những tờ tiền bà tích góp được, bảo muốn ăn gì thì mua, dặn dò tôi đủ thứ chuyện trên đời. Sau 18 năm sống cạnh Bà, được Bà nuôi nấng, tôi như chú chim nhỏ cuối cùng cũng sải được cánh lần đầu tiên. Tôi bay xa khỏi vòng tay Bà, mải mê với những cung đường mới. Nhưng như một thói quen, việc đầu tiên khi tôi trở về là đến cạnh giường Bà và nói: “Mệ ơi, con mới về!”. Lần đó, cũng như mọi khi, tôi đến bên giường Bà nhưng Bà không nhận ra tôi. Mắt bà trễ xuống, nhìn vào xa xăm, chờ đợi một điều đang tới.

Những ngày cuối cùng của tháng 10 năm 2021 lặng lẽ trôi qua, đã 3 năm kể từ ngày Bà mất. Đứa trẻ nhỏ to đầu, lớn xác của Bà giờ đây đã hai mươi tám tuổi, càng lúc chỉ còn biết ngấu nghiến những kí ức ngày còn bé, tô thêm màu sắc cho bức chân dung của gương mặt Mẹ và Bà. Đôi lúc trong vô thức, khi đang chạy xe trên đường, mấy câu hò ngày bé của Bà cứ thế vụt qua đầu, cất thành tiếng:

“À ơi… 

Mạ ơi đừng gả con xa

Chim kêu vượn hú biết nhà mạ mô…