Chiếc cần cẩu in hình một bóng đen khổng lồ trên nền trời màu xám. Hoàng hôn đã tắt, chỉ còn lại những sợi mây màu hồng đỏ cuối chân trời. Biển hôm nay vẫn đông nghịt người như thường lệ. Tôi ngồi trên vỉa hè sát bãi biển, nhìn sóng xô vào bờ mỗi lúc một mạnh hơn.
Tôi chợt nhớ về ngày còn bé, vào ngày Tết Đoan Ngọ hàng năm, tôi sẽ được ba chở đi biển một lần. Điều đó như trở thành một hoạt động thường niên mà tôi mong đợi, cũng giống như mỗi lần ba tôi bảo đi dự hội nghị ở trường, tôi lại mong ngóng lon Coca cola mà ba sẽ không uống và mang về cho tôi.
Tết Đoan Ngọ ở quê tôi đặc biệt hơn ở nhiều nơi một chút, vì vào ngày đó, người ta không chỉ ăn mừng theo nguồn gốc “Tết diệt sâu bọ”, mà ăn mừng thời điểm đã kết thúc vụ lúa đông xuân, thóc đã hanh khô, công việc đồng áng đã tạm gác lại. Những người làm ăn xa cũng đều trở về quê một vài ngày, như một cách nghỉ xả hơi trước khi lần lượt lên xe quay lại Lao Bảo hoặc Lào để buôn bán, trong đó có Mẹ tôi. Đó cũng là một trong những lý do mà tôi lại càng mong ngóng ngày Tết Đoan Ngọ, mong chuyến xe mang mẹ trở về làng.
Nhà tôi cách biển chừng mười mấy, hai chục cây số. Hồi đó sau khi Bà và Mẹ chuẩn bị mâm cỗ, cúng bái và ăn uống xong xuôi, ba tôi lúc nào cũng ngà ngà say. Ngoài đường, hàng xóm bắt đầu chạy xe máy vút qua nhà tôi, gọi với vào:” Đi biển chú T ơi!”. Ba tôi sẽ không từ chối, dù Bà và mẹ có can ngăn. Tôi thì ngược lại, háo hức đòi theo sau cho bằng được. Thế là trên con xe 78, ba chệnh choạng đèo tôi đến với biển.
Từ đằng xa ai cũng có thể nhận ra mình đã sắp đến biển. Một khoảng không mênh mông trãi dài xa tít và xanh rì lọt thỏm giữa hai hàng cây hai bên đường. Hơi nước chứa vị muối đặc trưng đẫm trong gió, bám trên da thịt bết rít. Và cái nắng nóng thiêu đốt tháng 5 bỗng chốc biến mất, thay bằng làn hơi ẩm mát lành. Chẳng mấy chốc, Ba tôi đã đầm mình xuống nước, bơi ra xa sau khi bắt gặp người quen, để tôi tự do chơi gần bờ, dưới sự giám sát của mấy cô hàng xóm. Tôi xây lâu đài cát và tắm biển cùng vài đứa nhỏ khác. Chúng tôi ngồi hướng mặt vào bờ, để sóng biển vỗ vào lưng hết đợt này đến đợt khác. Cát lọt vào tai, vào tóc tôi. Những lúc chơi vui quá, tôi thường ước giá mà Bà và Mẹ có thể đi cùng, nhưng niềm vui cũng thường khiến tôi nhanh quên.
Niềm vui được gặp biển mất đi một nửa kể từ sau năm đầu tiên tôi sống ở Thành phố biển hoặc có lẽ cả trước đó nữa, tôi không chắc. Kể từ sau khi vào cấp 3, ba và tôi đã không còn duy trì hoạt động thường niên đi biển vào dịp Tết Đoan Ngọ. Thỉnh thoảng, gia đình tôi có ghé biển, nhưng tôi không bao giờ đầm mình xuống nước. Tôi cũng không cảm nhận được niềm vui như đã từng.
Giờ đây, chỉ tầm 5 phút chạy xe máy hoặc chục phút đi bộ, biển đã ở ngay trước mắt tôi, xanh rì, mênh mông. Nhưng có lẽ vì thế mà niềm vui, niềm khao khát mới mất đi chăng? Ta biết một điều ta luôn dễ dàng có được và bằng nào đó, não ta tự động bảo với ta rằng đó không còn là điều mà ta khao khát nữa. Hay chỉ vì phần tuổi thơ đã trôi đi mất, để lại phần người lớn ở lại trơ trọi giữa những mối lo của dòng đời?