Nhắm mắt lại Minh cũng có thể thấy rõ những ngóc ngách trong căn bếp cũ, mái lợp bằng tôn baro và nền nhà bằng đất đen bóng, nhiều chỗ hỏm xuống. Cô vẫn thường chơi bi ở đó vào những ngày trời mưa khi mảnh đất sau nhà đã ngập nước. Đi vào một chút bên trong là căn bếp ẩm dột. Có chiếc kiềng ba chân nằm lọt thỏm giữa đống tro còn ấm và mớ củi anh chẻ từ bữa trước bị thấm mưa. Tháng mười đến, bồ hóng đóng trên mái lâu lâu lại rơi xuống theo nước mưa, nhoè ra trong vũng nước dưới sàn bê tông thô chưa trát vữa. Mẹ đứng đó, ống quần xăn cao, đầu đội chiếc nón ướt mem vì vừa mới đi từ ngoài vườn vào, tay cầm đôi đũa, chốc chốc lại đảo qua đảo lại nồi đậu đang rang dở.
Bà nội chống tay vào đầu gối, vướn người bê hủ mắm chiêng( thân cây dền) xuống, lấy đũa gắp bỏ ra bát. Mẹ kho thêm nồi dưa chuối với thịt ba chỉ mỡ, thêm chút lá ném phía trên; chiên thêm mấy con cá rô anh vừa đánh lưới được, thế là bữa cơm nóng hổi dọn ra. Ba gấp cọng kính lại, xếp mớ giấy tờ, công văn ở trường thành tập rồi trãi chiếu.
Mùa đông ở quê lúc nào cũng khắc nghiệt nhưng đổi lại, trên mâm cơm lúc nào cũng là những món ăn khiến Minh thèm thuồng. Thứ hơi ấm tỏa ra từ chén cơm nóng trên tay, từ miếng thịt mỡ đượm trên môi, và từ những người thân bên cạnh khiến Minh lúc nào cũng cảm thấy hạnh phúc. Cô ăn ngon và hay túm tím cười.
Những cơn bão cũng đến cùng mùa đông. Sáng trở trời, bầu trời màu hồng tím. Mẹ mặc bộ đồ bà ba đứng trước hiên nhìn gió quật hàng tre bên hong nhà. Minh vừa dụi mắt, vừa túm áo mẹ, thấy vui vì sáng nay bão, mẹ được ở nhà thêm ít hôm rồi mới đi buôn. Mấy cô làm chài lưới ở làng trên lái chiếc xe đạp có chiếc rổ phía sau, tay lái đeo chiếc giỏ đầy bao bị. Mẹ nhìn thấy người quen, cất tiếng gọi rõ dài:”O ơi… sáng ni có tôm không?”. Cô bán cá đạp xe quá đà, Ơi lại một tiếng. Chiếc xe cũ lâu ngày phanh không còn ăn nữa, như thói quen cô thả một chân xuống đường làm thắng, sau hai nhịp thì xe dừng hẳn. Cô thoăn thoắt tháo dây giằng phía sau yên, mở chiếc rổ với mớ cá còn hoi hóp thở, bên cạnh là mớ tôm càng đã được lựa ra, còn bám lại vài cọng rong xanh. Mẹ chạy ra, miệng nhai trầu, cười khà khà để lộ những chiếc răng nhỏ xinh rồi bắt đầu lựa tôm cá.
Chiếc xe khách của người anh con chú bác tậu để chở bà con trong làng qua lại cửa khẩu Lao Bảo đổ cái xịch trước của ngõ nhà vào một ngày trời mưa. Ba, anh và Minh xác giỏ và túi xách ra xe giúp mẹ. Mẹ ôm cô một cái thật chặt, dặn rằng đến Tết mẹ lại về mang theo bánh kẹo. Trước khi lên xe còn đưa đôi bàn tay thô ráp vẫy chào tàm biệt. Cả nhà nhìn theo chiếc xe khuất dần, lặng lẽ trở vào trong. Không hiểu sao khoảnh khắc đó cứ như đinh đóng vào ngực cô mỗi lần nhớ lại. Cô ước gì những năm tháng nhọc nhằn mà mẹ đã đi qua ngắn lại, dù chỉ là một chút.
Không có mẹ, Bà trở lại căn bếp quen thuộc. Bà làm món nổ, là rang thóc cho đến khi nó bung ra, không khác bắp rang là mấy. Bả bỏ vào cối giã nát, bỏ lớp trấu rồi làm muối. Minh thôi không khóc vì mẹ vắng nhà, ngồi mân mê thứ muối mới lạ mà bà vừa mới làm xong. Cũng trong căn bếp cũ đó, Bà dạy cô nấu nướng. Rồi dạy cô cách nhặt rau lang ra sao, rau muống thế nào, rau bí lại càng khó hơn. Những bữa đầu cô làm quen với căn bếp, có hôm thừa muối, có hôm thiếu mắm thiếu dầu, nhưng rồi đến cuối cùng, cô cũng nấu được những bữa cơm ngon. Lửa trong bếp vẫn luôn cháy, đôi lúc là dưới bàn tay của Mẹ, của Bà, đôi lúc là dưới bàn tay cô.
Sau này lớn lên, xa nhà, có đôi lần lạc lối giữa cuộc sống phố thị, Minh cứ nghĩ hay là về quê, sống cuộc đời không bon chen, thảnh thơi qua ngày. Nhưng nhà vắng bóng mẹ đối với cô tựa như vầng trăng khuyết, vẫn là trăng nhưng mãi không trọn vẹn. Nghĩ thế, cô quyết tâm trụ lại giữa thành phố, tự tay tạo nên căn bếp của riêng mình.
Căn bếp cũ đã được xây dựng lại từ lâu, giờ đây mang hình bóng của chị dâu cô. Minh rời đi, càng lúc càng “xa” nhà. Nhưng cô biết, dù ở đâu, dù dưới mái nhà nào, những người phụ nữ bằng cách nào đó vẫn cố công “thắp lửa”, để ai cũng có nơi để trở về.