Trong cuốn Tazaki Tsukuru Không Màu Và Những Năm Tháng Hành Hương, nhân vật Tazaki có cái tên dịch ra là “người tạo ra đồ vật”, anh là người làm ra các nhà ga. Có nhiều công việc mà người trẻ ngày nay theo đuổi, như là tiktoker, youtuber… nhưng có vẻ như ngày càng ít người cố gắng tạo ra đồ vật hay những thứ hữu hình, hoặc đơn giản hơn chỉ là sửa chữa chúng. Tôi thích trở thành người tạo ra đồ vật mặc dù cuối cùng tôi đã không.
Mùa hè năm 2011, ba tôi nghỉ hưu. Cũng vào năm đó, gia đình tôi quyết định sẽ cất một căn nhà mới, với nền mống cao hơn để tránh lũ. Mấy năm trước, cứ mỗi lần lũ về là tôi và bà nội phải chạy lên nhà cậu hoặc nhà hàng xóm để trú vì nước lúc nào cũng ngập quá ngực tôi. Đồ đạc trong nhà cứ sau mỗi mùa lũ là hư hết cả. Có năm, đám bèo theo hướng gió dạt vào, lấp kín cái sân và con đường phía trước nhà. Lúc nước rút, tôi ngả ngửa khi tìm được một con rắn hổ to tướng nằm gọn gàng trong cái xoong cái trong bếp. Rút cuộc, bão lũ là lý do lớn nhất trong rất nhiều lý do để cất nhà.
Vậy là chỉ trong vòng mấy ngày, người ta đã tới và bắt đầu đập phá nhà trên. Lúc đó tôi mới biết, mình sắp sửa đánh mất một cái rương đựng đầy kỉ niệm của gia đình. Nhưng nỗi buồn đó nhanh chóng lảng đi, vì mấy món đồ nghề của cô chú thợ xây quá đỗi hấp dẫn. Nào là cái bay, dây dọi, thước canh,… Xi măng là thứ bột mịn và đống cát là nơi tôi có thể chơi cả ngày. Từ lúc đó, tôi ấp ủ sẽ tạo ra một tiểu cảnh lâu đài bằng đá, để tôi có thể đặt nó ở giữa chậu, và nuôi cá ở xung quanh. Rồi bằng vài thứ chôm, kiếm, lượm được, tôi đã tạo ra “tác phẩm” để đời, bây giờ vẫn còn nằm chỏng chơ trên chậu cây cảnh của ba tôi.
Cũng giống như tôi, tôi cũng cho rằng anh tôi là người thích tạo ra đồ vật và thích sửa chữa mọi thứ, mặc dù cuối cùng anh cũng không. Anh đi làm ở bệnh viện hơn chục năm nay. Thỉnh thoảng, anh tôi trở về sau ca trực, ngã lưng lên giường, gác tay lên trán, thở dài. Nhưng may mắn, ở quê có đất vườn rộng lớn, và cả đống thứ cần sữa chữa quanh năm nên anh tôi lúc nào cũng luôn tay. Anh tôi sửa xe, sửa quạt, sửa ống nước, mái nhà. Kể cả đôi guốc bị trợt mấy mảng màu của chị dâu tôi. Anh tôi đã sơn lại nó, bằng màu đen. Chiếc xe đạp tôi đi là chiếc xe cũ mà anh tôi đã thay xích, thay phanh và sơn lại. Chiếc đồng hồ điện tử tôi đeo là cái mặt đồng hồ cũ mà anh tôi nhặt được, và thay dây. Chiếc đèn học tôi dùng là anh tôi thay bóng và lau mới… Kể cả chiếc bàn có một chân bị gãy, cũng là anh tôi tìm mọi cách để vá lại cho bằng được bằng đinh ốc, miếng tôn và phủ lên một chiếc khăn trãi bàn mới.
Hồi đó, tôi phát ngán sở thích đó của anh tôi vì chẳng bao giờ tôi được đùng đồ mới. Nhưng khi lớn rồi, chả có cái bàn nào làm tôi hài lòng như cái bàn bị thương đó. Vì nó có thể mở nắp một nửa, và ở bên dưới, anh tôi đã đóng một cái hộc để tôi có thể để tất cả những gì tôi muốn, như một ngăn đựng báu vật.
Cũng giống như anh tôi, bà tôi chẳng bao giờ lãng phí một thứ gì, đó cũng là một trong những cách mà người ta “tạo ra” đồ vật. Bà sẽ lấy tất cả các bao ni lông, rửa sạch, phơi khô, xếp gọn gàng và cất kĩ. Bà lượm dây giày tôi vứt đi, cái áo tôi không dùng nữa, cúc áo đứt ra, kim băng trên những cái mác… Bà có cả gia tài mà chỉ khi nào ai đó gấp gáp cần một cái bao để đựng, cần một cái dây để buộc; cần một cúc áo để khâu.. tất cả đều chạy đến hỏi bà.
Có thật nhiều cách để tạo ra đồ vật, và thật hay vì dường như cách nào cũng đều hữu ích và mang lại niềm vui. Các cô chú thợ xây cũng tạo ra nhà mới cho gia đình tôi theo cách đó nhưng chẳng hiểu sao, cuối cùng chẳng có niềm vui nào cả. Đổi lại, nhà cũ chỉ còn là kí ức, còn nhà mới lại là sự tiếc nuối mãi không thôi…
…
Chỗ phòng lồi nơi tôi dùng làm phòng học – một cái phòng lồi ra ở phía bên hông nhà cũ, trong đó chỉ toàn chứa đầy đồ đạc mà anh tôi sửa chữa hoặc tạo ra. Xa ra một xíu, tôi có thể nhìn rõ cây thầu đầu to lớn cạnh phòng. Từ cái nhánh vững chãi của nó, tôi có thể gọn lẹ leo lên mái bằng của “phòng lồi”. Tôi đã chơi đồ hàng ở đó, trườn bò suốt ngày trên mái nhà, hái quả thầu đâu để ăn, hái lá thầu đâu để lót nằm, và cứ thế tuổi thơ tôi lớn lên, xa dần… Phòng khi có ai đó hỏi, nhà cũ tôi trông như thế nào. Tôi sẽ kể nó theo cách đó, như một cách để bắt đầu.