Tháng tám vụt qua như những tia chớp trên bầu trời xám xịt. Từ gần giữa tháng, hầu như chiều nào trời cũng nổi gió, thỉnh thoảng làm giông rồi đổ mưa lâm râm. Tôi cứ ngồi lẩm bẩm mãi mấy câu thơ: “hạt gạo làng ta, có bão tháng bảy, có mưa tháng ba…” rồi ngắm mấy cái lá bàng non rung rinh ngoài cửa sổ, tự nhiên thấy nhớ bà.
Trong đầu chỉ toàn là những kí ức ngày bà còn khoẻ, lưng vẫn còng nhưng chân đi thoăn thoát, quần xăn quá cả đầu gối, miệng vẫn nhóp nhép nhai trầu. Bà đang trùm đầu bằng một cái khăn, quấn luôn cả mặt, chỉ để lại hai con mắt, tay cầm cái cối giã chậu ớt tươi trước mặt. Vụn ớt bay tung toé, tôi đứng cách bà 5m vẫn lấy áo che mặt vì sợ cay nhưng bà ngồi đó, hơn 70 năm cuộc đời, chưa lần nào nao núng trong suốt cả cuộc đời bà. Tôi chăm chú nhìn bà làm. Bà đang rắc phân, cẩn trọng rãi hạt phía sau tôi, tôi đang cuốc những nhát cuốc yếu ớt phía trước bà, hai bà cháu cùng nhau cải tạo bãi đất nhỏ phía trước nhà vì bà không chịu được việc một tấc đất nào bị hoang phí hay bị đám cỏ dại xâm chiếm. Bà lại đội nón lên đầu, ra vườn lang nhổ cỏ, xới đất. Bà đang bối lại tóc, xoa xoa hai tay mấy sợi tóc rụng nửa đen nửa trắng, bà bỏ hai tay lên chiếc lưng còng rồi thong dong qua nhà hàng xóm chơi. Bà dắt theo tôi, mua cho tôi hai cái bánh trung thu. Bà đang leo lên cái bậc thứ 2 của cửa sổ, hái hết mấy lá trầu gìa sau lưng nhà. Tôi cũng đang ở bậc thứ 3 của cửa sổ bên kia, hái phụ bà những lá trầu xanh đậm và dày, bà bảo như thế nghĩa là nó già rồi.
Cuối cùng thì tôi cũng không còn là lá trầu non mà bà không nỡ hái nữa. Màu xanh đổi qua và tôi mất bà. Hai cánh cửa sổ hai bà cháu ngày nào còn trèo hái trầu không còn nữa, đám trầu cũng chết từ lâu. Cơn gió chiều tháng tám thổi bay những chiếc lá vàng úa trên cây, nỗi buồn cứ thế tự nhiên tới cùng nỗi nhớ bà.
Tôi cứ thắc mắc mãi, vì sao vào những lúc cảm thấy bế tắc hoặc lạc lối, tôi lại luôn cảm thấy bà chính là chiếc phao mình cần. Chẳng phải bà sẽ cho tôi câu trả lời tôi muốn hay một lời khuyên triết lý thâm sâu, chỉ là tôi luôn biết bà còn hơn cả một người bạn dù khoảng cách tuổi tác giữa tôi với bà lên đến gần bảy thập kỷ.
Thế rồi tôi đọc được phương pháp mà bác sĩ Dixon Chibandi đã nghĩ ra để giúp chữa chứng rối loạn âu lo cho các phụ nữ ở một ngôi làng nọ. Ông cho đặt những băng ghế gỗ tình bạn ngoài trời, nơi mà ở đó những cụ bà có thể ngồi trò chuyện cùng những người phụ nữ. Hoá ra, khi người ta đã trãi qua gần như cả cuộc đời mình, mọi vấn đề dù lớn nhỏ trước mặt họ đều trở nên nhỏ bé lạ lùng. Đó có lẽ là lý do mà tôi luôn biết rằng bà tôi chưa bao giờ nao núng trước bất kỳ điều gì. Bà sẽ luôn ở đó lắng nghe tôi, dù cho vấn đề của tôi có đến từ cái thời đại mà bà chưa từng tưởng tượng được, bà vẫn ở đó, lắng nghe tôi.